Mục lục
Đặc điểm của Cây Bưởi
Tên thường gọi: Bưởi, 柚子.
Tên khoa học: Citrus grandis (L.) Osbeek (C. maxima (Burm.) Merr., C. decumana Merr.).
Thuộc họ: Cam -Rutaceae.
Mô tả:
- Cây to cao 5-10m, chồi non có lông mềm, cành có gai nhỏ dài đến 7cm. Lá rộng hình trái xoan, tròn ở gốc, mép nguyên, có khớp trên cuống lá, cuống lá có cánh rộng. Cụm hoa chùm ở nách lá, gồm 7-10 hoa to, có màu trắng, rất thơm. Quả to, có hình cầu và cầu phẳng, đường kính 15-30cm, màu vàng hay hồng tuỳ thứ.
- Cây ra hoa, ra quả hầu như quanh năm, mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 5 và ra quả từ tháng 8 đến tháng 11.
Bộ phận sử dụng: Vỏ quả – Exocarpium Citri Grandis. Lá và dịch quả cũng được sử dụng.
Nơi sống và thu hái: Loài cây của vùng Nam Á và Đông Nam Á, được trồng từ lâu đời ở nhiều nước Châu Á. Ở nước ta, Bưởi cũng được trồng nhiều khắp nơi. Có nhiều giống trồng có quả chua, ngọt khác nhau. Thường nói đến nhiều là Bưởi Đoan Hùng (Vĩnh Phú) quả tròn, ngọt, nhiều nước, Bưởi Vinh, quả to có núm, ngọt, ít nước, trồng nhiều ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), Bưởi Phúc Trạch quả to, ngọt, nhiều nước, trồng nhiều ở Hương Khê (Hà Tĩnh), Bưởi Thanh Trà (Huế) quả nhỏ nhiều nước, ngọt và thơm, loại Thanh Trà hồng ngon nhất, Bưởi Biên Hoà (Đồng Nai) quả to, ngọt, nhiều nước, trồng ven sông Đồng Nai, Bưởi đào, ruột và múi màu đỏ nhạt, thường rất chua; Bưởi gấc, quả đỏ, chua, trồng ở ngoại thành Nam Định (Nam Hà) dùng để bày mâm ngũ quả ngày Tết. Bưởi được trồng bằng hạt, nhưng thường người ta gieo hạt để làm gốc ghép. Các giống quý trồng bằng cành chiết hay cây ghép. Người ta thu hái những quả chín vào mùa thu-đông, đem phơi trong râm rồi gác bếp; khi dùng rửa qua cho sạch, gọt lấy lớp vỏ the ở ngoài. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi trong râm. Dịch quả được ép từ ruột quả chín.
Dược tính và công dụng của cây Bưởi
Thành phần hoá học: Vỏ quả ngoài rất giàu chất narin-gosid, do đó có vị đắng, trong vỏ có tinh dầu, tỷ lệ 0,80-0,84%; quả chứa 0,5% tinh dầu, lá cũng có tinh dầu. Tinh dầu vỏ bưởi chứa d-limonen, a- pinen, linalol, geraniol, citral; còn có các alcol, pectin, acid citric. Dịch quả chín có nhiều chất bổ dưỡng: nước 89%, glucid 9%, protid 0,6%, lipid 0,1% và các khoáng Ca 20mg%, P 20mg%, K 190mg%, Mg 12mg%, S 7mg% và Na, Cl, Fe, Cu, Mn… Có các vitamin (tính theo mg%) C 40, B 0,07, B2 0,05 PP 0,3 và tiền sinh tố A 0,1.
Tính vị, tác dụng: Vỏ quả Bưởi gọi là Cam Phao, vị đắng, cay, tính không độc, thông lợi, trừ đờm táo thấp, hoà huyết, giảm đau; trị tràng phong, tiêu phù thũng. Bỏ cùi trắng, lấy lớp vỏ vàng sau dùng. Ngày nay, ta dùng vỏ quả, xem như có vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng trừ phong, hoá đàm, tiêu báng (lách to), tán khí thũng (phù thũng thuộc khí). Ở một số nước tại Đông Á người ta cho là nó làm để tiêu, giúp sự tiêu hoá, làm long đờm, chống ho. Lá có vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm. Lương Y Tuệ Tĩnh đã cho biết quả bưởi vị chua, tính lạnh, hay làm cho thư thái, trị được chứng có thai nôn nghén, nhác ăn, đau bụng, hay người bị tích trệ ăn không tiêu. Nay ta dùng dịch quả có tính chất khai vị và bổ, lợi tiêu hoá, khử lọc, dẫn lưu mật và thận, chống xuất huyết, làm mát.
Công dụng, chỉ định và kết hợp: Vỏ quả dùng trị đờm kết đọng ở cổ họng và cuống phổi, đau bụng do lách to; còn dùng trị đau dạ dày, đầy bụng, ăn uống không tiêu, ho nhiều, hen, đau thoát vị. Lá dùng chữa sốt, ho, nhức đầu, hắt hơi, kém ăn, còn dùng chữa viêm vú, viêm amygdal. Ở Nam Á, người ta dùng chữa bệnh động kinh, múa giật và ho có co giật. Dịch quả dùng trong trường hợp chán ăn, mệt mỏi khó tiêu, ngộ độc, da huyết, tạng khớp, ít nước tiểu, suy mật, giòn mao mạch, chứng sốt và bệnh phổi. Vỏ hạt có pectin dùng làm thuốc cầm máu. Hoa bưởi được dùng để cất tinh dầu thơm, dùng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo.
Cách dùng: Vỏ quả và lá được dùng uống trong dưới dạng thuốc sắc, mỗi ngày dùng 10-15g. Dịch quả dùng uống trong, ngày uống 3 lần trước các bữa ăn. Lá dùng ngoài không kể liều lượng. Người ta dùng nướng chín để nắn, xoa bóp hay nấu nước xông và ngâm để chữa sưng chân do hàn thấp, chướng khí, giảm đau do trúng phong tê bại. Lá non dùng chữa sưng trên khớp, bong gân, gãy xương do ngã, chấn thương; còn dùng chữa đau bụng, đầy bụng do lạnh. Hạt bưởi bỏ vỏ ngoài, nướng chín đen rồi nghiền thành bột dùng bôi chốc lở da đầu, ngày 2 lần, trong 2-3 ngày.
Cây Bưởi và các bài thuốc
Bài thuốc:
- Phù thũng: Vỏ bưởi đào, Mộc thông, Bồ hóng mỗi loại 20-30g, Diêm tiêu 12g, Cỏ bấc 8g, sắc uống mỗi ngày 2 lần vào lúc đói và ăn một khẩu mía trước và sau khi uống thuốc. Kiêng muối và chất mặn.
- Sản giật phù thũng, cùng các trường hợp phù thũng: Vỏ Bưởi Khô và Ích Mẫu liều lượng bằng nhau tán nhỏ uống mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói. Hoặc dùng mỗi loại 20-30g sắc uống.
- Ho có nhiều đờm: Vỏ Bưởi 10g, thêm đường kính hoặc đường phèn, pha uống dần dần.
- Hen: Vỏ Bưởi (lấy ở quả bưởi từ 0,5 đến 1 kg), một miếng Bách Hợp, 120g Vẩy Hành khô, đường trắng 120 tới 250g, nấu nước uống, chia làm 3 lần uống trong ngày, liên tục trong 9 ngày.
Đừng bao giờ sử dụng bất cứ thứ gì bạn không chắc chắn 100% là an toàn và nếu bạn đang bị ốm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thứ mà bạn không quen thuộc.
Xem thêm:
Nghiên cứu gia công sản xuất thực thực phẩm chức năng từ cây Bưởi vui lòng liên hệ
Số điện thoại : 0983425111
Nghiên cứu công thức thực phẩm độc quyền tại Nhà Máy Dược Phẩm Pulipha