Mục lục
Đặc điểm của cây Nhãn
Tên thường gọi: Nhãn.
Tên khoa học: Dimocarpus longan Lour. (Euphoria longan (Lour.) Stend.)
Thuộc họ: Bồ hòn – Sapinda-ceae.
Mô tả: Cây cao khoảng 5-10m, tán lá tròn xoè ra và rậm rạp. Cành non có lông. Lá mọc so le, kép lông chim, gồm 3-5 đôi lá chét nhẵn, mặt dưới có màu thẫm hơn. Hoa xếp thành chuỳ mọc ở ngọn cành và ở nách lá, có màu vàng nhạt. Quả tròn, vỏ quả vàng trơn nhẵn. Hạt đen nhánh. Áo hạt có màu trắng trong bao quanh hạt và không dính vào hạt, khi chín thì ngọt và ăn mát.
Bộ phận dùng: Áo hạt (hay gọi là cùi) – Arillus Longan, gọi là Long Nhãn Nhục. Hạt, lá cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng ở vùng đồng bằng. Nhãn dễ trồng, mọc nhanh, thích hợp với đất thịt pha cát, nơi có lớp đất canh tác sâu. Vào tháng 6-8, khi Nhãn chín, thu về, phơi nắng hay sấy cho cùi có màu vàng đều thì lột cùi, phơi tiếp đến khô thì dùng. Hạt dùng phơi khô. Rễ và lá thu hái quanh năm. Có thể trồng bằng hạt, bằng cành chiết hay ghép cây. Khoảng 4-5 năm thì có quả, thời gian cho quả cũng rất lâu.
Dược tính và công dụng của cây Nhãn
Thành phần hoá học: Cùi Nhãn còn tươi có các thành phần sau: nước 77,15%, tro 0,01%, chất béo 0,13%, protid 1,47%, hợp chất có nitrogen tan trong nước 20,55%, đường saccharose 12,25%, vitamin A và B. Cùi Nhãn khô chứa nước 0,85%, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucose 26,91%, saccharose 0,22%, acid tartric 1,26%, chất có nitrogen 6,309%. Hạt Nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tanin. Lá chứa quercetrin, quercetin, tanin.
Tính vị, tác dụng: Cùi Nhãn có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tâm, an thần, kiện tỳ, làm tăng cơ nhục. Hạt có vị mặn, tính bình, có tác dụng thu liễm chỉ huyết. Lá có tác dụng hạ nhiệt, tiêu viêm. Rễ có tác dụng lợi tiểu và hoạt huyết.
Công dụng: Các bộ phận khác nhau của Nhãn được dùng như sau:
- Cùi Nhãn dùng chữa trí nhớ suy giảm hay quên, tư lự quá độ mất ngủ, thần kinh suy nhược, tâm thần mệt mỏi hồi hộp, hoảng hốt, gan kém, tỳ kém, huyết hư, rong kinh, ốm yếu sau khi bị bệnh.
- Rễ chữa dưỡng trấp niệu, bạch đới, thống phong.
- Lá dùng ngừa sởi, trị cảm lạnh, sốt rét, viêm ruột. Lá nấu nước tắm trị eczema bìu dái.
- Hạt dùng trị đau dạ dày, đau thoát vị, mụn nhọt và bỏng, vết thương chảy máu, dạng thuốc sắc. Đồng thời tán bột, hoà với dầu Dừa dùng bôi vào chỗ đau.
- Vỏ cây và vỏ quả dùng chữa bỏng, chữa sâu răng. Đốt, tán bột hay nấu cao bôi.
Cây Nhãn và các bài thuốc
Bài thuốc
- Thiếu máu, cơ thể suy nhược, thể trạng mệt mỏi, đoản hơi: long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g. Sắc uống.
- Suy giảm trí nhớ, hay quên, hay hốt hoảng, lo nghĩ quá nhiều, hoa mắt, chóng mặt: long nhãn 16g, câu đằng 12g, toan táo nhân 10g, thục địa 16g. Sắc uống.
- Tiêu hóa kém, chán ăn, ăn không ngon miệng: bạch truật 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 12g, ý dĩ nhân 10g, liên nhục 10g, phục thần 12g, cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Tâm thần bất an, mệt mỏi, đau lưng mỏi gối: long nhãn 15g, hạt dẻ 15 hạt, gạo tẻ 50g. Hạt dẻ bóc vỏ, đập vụn nấu với gạo thành cháo, khi cháo được, cho long nhãn vào, đun sôi đều, khi ăn thêm đường.
Đừng bao giờ sử dụng bất cứ thứ gì bạn không chắc chắn 100% là an toàn và nếu bạn đang bị ốm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thứ mà bạn không quen thuộc.
Xem thêm:
Cây Khoai Lang có công dụng gì?
Cây Khoai Tây có công dụng gì?
Nghiên cứu gia công sản xuất thực thực phẩm chức năng từ cây Nhãn vui lòng liên hệ
Số điện thoại : 0983425111
Nghiên cứu công thức thực phẩm độc quyền tại Nhà Máy Dược Phẩm Pulipha