Cây Lựu có công dụng gì?

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Mục lục

Đặc điểm của cây Lựu

Tên thường gọi: Lựu, Thạch lựu.

Tên khoa học: Punica granatum L.

Thuộc họ: Lựu – Punicaceae.

Mô tả: Cây nhỏ, cao tới 5-6m, có thân thường sần sùi, có màu xám. Rễ trụ khoẻ, hoá gỗ, dạng con thoi, có màu nâu đỏ ở ngoài, màu vàng nhạt ở trong. Lá đơn, nguyên, mọc đối, bóng loáng. Hoa mọc đơn độc hoặc tụ thành cụm 3-4 cái ở ngọn cành. Hoa có 5-6 lá đài hợp ở gốc, 5-6 cánh hoa có màu đỏ chói, rất nhiều nhị bầu nhiều ô chứa nhiều noãn xếp chồng lên nhau. Quả mọng có vỏ dày, tròn phía trên có đài tồn tại, có vách ngang chia thành 2 tầng, các tầng này lại chia ra các ô chứa nhiều hạt tròn, có vỏ hạt mọng. Ra hoa tháng 5-6, quả tháng 7-8.

Bộ phận dùng: Vỏ quả- Pericarpium Granati, gọi là Thạch Lựu Bì. Vỏ cây, vỏ rễ, hoa, thịt quả cũng được sử dụng.

Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc từ Tây Á, được trồng nhiều ở Bắc Châu Phi, nay thành phổ biến. Ở nước ta, Lựu cũng được trồng bằng hạt hoặc bằng cành chiết. Thu hái vỏ rễ, vỏ thân quanh năm, hoa quả thu hái vào tháng 6-7. Đào  rễ về rửa sạch, bóc lấy vỏ, bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô. Vỏ quả lấy khi còn tươi, bỏ màng trong, thái mỏng, sấy khô, khi dùng vỏ khô thì rửa sạch, cạo bỏ  màng trong, đồ cho mềm, thái mỏng, sao qua. Bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm.

Dược tính và công dụng của cây Lựu

Thành phần hoá học:

  • Vỏ rễ chứa một hàm lượng tanin cao (2%) và 0,5-0,7% alcaloid toàn phần trong đó có pelletierin, isopelletierin, methylpelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alcaloid có hoạt tính trị giun cao. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alcaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn. Còn có acid betulic và 3 chất base khác.
  • Vỏ quả chứa granatin, acid betulic, acid ursolic và isoquercetin.
  • Dịch quả chứa acid citric, acid malic và các chất đường glucose, fructose, maltose.

Tính vị, tác dụng: Vỏ quả có vị chua, chát, tính ấm, có tác dụng sáp trường chỉ tả, chỉ huyết, khu trùng. Vỏ thân và vỏ rễ có vị đắng, chát, tính ấm, có độc; có tác dụng sát trùng trừ sán.

Công dụng: Vỏ quả được dùng trị ỉa chảy và lỵ ra huyết, đái ra máu, băng huyết, bạch đới, thoát giang, đau bụng giun.Vỏ thân và vỏ rễ dùng trị giun, đặc biệt đối với sán dây ở người và đối với cả sán của chó. Ngày dùng 20-60g, dạng thuốc sắc.Còn có thể dùng trị đau răng (ngậm nước sắc). Thịt quả được dùng trợ tim, giúp tiêu hoá. Dịch quả tươi làm mát hạ nhiệt. Hạt giúp tiêu hoá. Hoa dùng chữa viêm tai đề phòng chảy mủ.

Cây Lựu và các bài thuốc

Bài thuốc

  • Trĩ loét chảy máu: Lấy 50 – 100g vỏ quả lựu, đem sắc lấy nước, rồi đem xông rửa hậu môn.
  • Viêm loét dạ dày: Đun sôi 100ml nước sau đó cho 10g vỏ lựu khô vào đun tầm 20- 30 phút đến khi các chất trong vỏ lựu được hòa tan. Khi uống thì chia đều nước thành 4 phần, mỗi phần 25ml, uống vào các buổi trong ngày, nên uống trước khi ăn. Uống liên tục 7 ngày để thuốc phát huy tác dụng.
  • Ho, đau họng: Đun sôi vỏ lựu lấy nước để súc miệng hằng ngày. Kiên trì áp dụng trong vòng 1 tuần sẽ không còn ho và đau họng.
  • Mề đay, mẩn ngứa do nhiệt: Vỏ quả lựu tươi, bồ công anh, ké đầu ngựa, bèo cái, hà thủ ô, thổ phục linh mỗi loại có liều lượng như nhau 12g, thuyền thoái, cam thảo đất (cam thảo nam) mỗi loiạ 8g. Cho tất cả các vị vào nồi ngâm với 750ml nước trong 15 phút, sắc còn 200ml. Sau đó chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.

Đừng bao giờ sử dụng bất cứ thứ gì bạn không chắc chắn 100% là an toàn và nếu bạn đang bị ốm, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng thứ mà bạn không quen thuộc.

Xem thêm:

Cây Ớt có công dụng gì?

Cây Táo có công dụng gì?

Cây Thiên Lý có công dụng gì? 

Cây Kim Ngân có công dụng gì?

Nghiên cứu gia công sản xuất thực thực phẩm chức năng từ cây Lựu vui lòng liên hệ

Số điện thoại : 0983425111

Nghiên cứu công thức thực phẩm độc quyền tại Nhà Máy Dược Phẩm Pulipha

Fanpage Pulipha

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Xin hãy để lại bình luậnx