Mục lục
Đặc điểm của cây Chuối
Tên thường gọi: Chuối.
Tên khoa học: Musa spp.
Thuộc họ: Chuối – Musaceae.
Mô tả: Chuối có thân rễ to, từ đó mọc ra những lá rất to có thể dài tới 2m, có các bẹ lá úp vào nhau tạo thành một thân giả hình trụ cao tới 3-4m hoặc hơn. Khi cây chuối còn non, ta ăn nõn chuối, chính là nõn thân giả, còn thân thật là phần nằm dưới đất mà ta thường gọi là củ chuối. Khi chuối ra buồng, thấy một cánh hoa từ củ chuối mọc lên xuyên qua thân giả lồi ra ở phía ngọn. Cụm hoa chuối là một bông gồm nhiều lá bắc có màu đỏ úp lên nhau thành bắp chuối, hình nón dài; ở kẽ mỗi lá có khoảng 20 hoa xếp thành 1 nải chuối 2 tầng, hoa ở giữa thường là hoa lưỡng tính, phía ngọn là hoa đực, phía gốc là hoa cái. Quả mọng còn mang dấu vết của vòi nhuỵ. Chuối trồng được tạo thành do kết quả của sự lai tự nhiên giữa hai loài chuối hoang dại ở Ðông Nam Á là chuối hột và chuối rừng. Người ta ước lượng có đến 200-300 giống chuối được trồng trên khắp thế giới. Hầu hết chuối ăn quả đều thuộc loài Musa paradisiaca L. với 11 loại khác nhau bởi hình dạng quả, màu sắc và vị của thịt quả. Thứ Chuối tiêu (chuối già) có giá trị trên thị trường thế giới thuộc var. sapientum Kumtze (Musa sapientum L.). Lại có loài khác là Musa nana Lour mà ta gọi là Chuối Già Lùn có thân chỉ cao 1-2m, có quả và lá y như Chuối Già, buồng thòng, cong, mo có màu đỏ, quả màu xanh hoặc vàng vàng, thịt ngà. Loài Musa cavendishii Lamb, hay Musa chinensis Sw.. có khi được nhập vào loài này, cũng có người xem nó như là một thứ của loài Chuối. Lại còn loài Musa chiliocarpa Back… gọi là Chuối Trăm Nải, có thân giả cao đến 3m, có buồng dài đến sát đất mang nhiều nải, quả màu vàng dài 6-7cm, không hạt, thịt ngọt.
Bộ phận dùng: Nhiều bộ phận khác nhau của cây, chủ yếu là quả – Fructus Musae.
Nơi sống và thu hái: Ở nước ta, trồng nhiều giống. Người ta sắp xếp các giống phổ biến vào hai nhóm: – Nhóm giống Chuối Tiêu (Chuối Già) có đến 5 giống mà phổ biến là giống lùn cao và lùn thấp là giống Chuối ăn tươi điển hình có bột chuyển hết thành đường, dễ tiêu hoá, có quả cong, vỏ dày, thường trồng ở đồng bằng sông Hồng và sông Chu. Nhóm giống Chuối Tây (Chuối Sứ) có quả to và ngắn hơn Chuối Tiêu, vỏ cũng mỏng hơn, có giá trị calo cao hơn Chuối Tiêu lại có nhiều bột hơn, nên có thể luộc, có thể chiên; dùng làm rau (nõn thân giả, hoa chuối) ít chát hơn Chuối Tiêu. Thường được trồng nhiều nhất. Còn có các giống Chuối khác như Chuối Bôm, có quả hơi chua nếu chưa chín kỹ, buồng nhỏ, quả nhỏ; Chuối bột không ăn tươi mà để lấy tinh bột; Chuối Ngự, Chuối Cau có quả nhỏ, ngắn tròn lẳn, vàng, vỏ mỏng, thơm ngon nhưng khó vận chuyển và buồng nhỏ, sản lượng lại thấp; chuối lá quả dài 4 cạnh; chuối hột quả to thẳng 5 cạnh, có hạt. Chuối là cây kém chịu rét và gió mạnh, cần nhiều nước nhưng ưa đất thoát nước và đất tốt có nhiều nitrogen và kalium. Lượng mưa đều 120-150mm hàng tháng là tốt nhất; khô hạn trên 2 tháng liền thì phải tưới. Nhiệt độ thích hợp 25-30oC, tối thiểu tuyệt đối trên 12oC. Nắng cần vừa phải, nếu nắng gắt thì cây cháy lá, nám quả, trời âm u, cây mọc vóng và kéo dài thời gian sinh trưởng. Năng suất trung bình 150 buồng/1 ha, nặng 15-20kg/buồng.
Dược tính và công dụng của cây Chuối
Thành phần hoá học: Quả Chuối Xanh chứa 10% tinh bột, Chuối Chín có tỉ lệ g%: glucid 16-20; tinh bột 1,2; protid 1,32; lipid 0,5; theo tỉ lệ mg%: calcium 8, kalium 28, sắt 0,5 và các vitamin PP 0,07, vitamin C 0,6. Còn có Mg, Na, các chlorur, phosphat, lưu huỳnh, kẽm. Xét về mặt dinh dưỡng, Chuối có giá trị hơn cả khoai Tây và tương đương với thịt, cứ 100g có thể cho 100 calo và dễ tiêu hoá. Trong Chuối có 2 hợp chất quan trọng về mặt sinh lý là serotinin và nore-pinephrin, cùng với dopamin và một catecholamin chưa xác định. Do có các hoạt chất này mà Chuối có những ứng dụng quan trọng trong y học (chữa đau tạng phủ, táo bón, loét ống tiêu hoá…). Bầu của hoa chuối chứa tryptophan và các hợp chất Indol.
Tính vị, tác dụng: Chuối Xanh phơi khô ở nhiệt độ thấp rồi tán bột ăn hàng ngày, kích thích sự tăng trưởng của màng nhầy lót bên trong dạ dày bằng cách tạo thêm những tế bào sản xuất chất nhầy, không những nó làm cho màng nhầy dày lên đến mức để tránh không bị lở loét dễ dàng mà còn có thể hàn gắn nhanh chóng bất kỳ chỗ loét nào hiện có. Chuối Xanh còn có tác dụng diệt nấm, làm se. Quả Chuối chín nhuận tràng, chống scorbut và làm dịu. Chuối chín thúc đẩy sự lên da non của các vết thương tổn của ruột trong viêm ruột kết có loét. Thân giả và rễ củ chống scorbut; rễ trị giun.
Công dụng, chỉ định và kết hợp: Chuối dùng tốt cho trẻ, trẻ đang độ lớn, cho người dưỡng sức, cho người già, cũng như cho những người lao động trí óc và tay chân. Nó giúp ích cho hệ xương, cho sự sinh trưởng, cho sự cân bằng thần kinh. Cũng dùng tốt cho những người bị bệnh khớp. Người suy nhược nên dùng ăn hàng ngày. Nhưng do nó giàu hydrat carbon nên không phù hợp với người bị bệnh đái đường. Chuối còn dùng để chữa bệnh ỉa chảy và kiết lỵ. Người ta nhận thấy chuối dùng có kết quả trong việc chống các rối loạn ruột và dạ dày, đặc biệt là chống các bệnh ỉa chảy cấp tính và mạn tính, bệnh viêm ruột. Tại Nam Á, người ta dùng bột chuối xanh để điều trị những bệnh nhân bị loét dạ dày có kết quả rõ rệt… Vì vậy một khẩu phần ăn có chuối xanh chắc chắn giúp tránh được bệnh loét dạ dày. Quả chuối xanh còn non dùng chữa hắc lào mới phát.Ta còn có thể dùng cả củ Chuối (thân, rễ) giã lấy nước cốt, hoặc dùng lóng nứa tép đâm sâu vào thân cây hứng lấy nước trong uống trị sưng tấy, làm thuốc giải nhiệt chữa nóng quá phát cuồng. Hoặc dùng cây non cắt ngang, lấy phần non ở giữa (của thân giả) giã nhỏ đắp để cầm máu vết thương. Lá non dùng băng bó để làm dịu vết bỏng, vết cháy. Ở Nam Á, thân giả và củ Chuối dùng chữa rối loạn về máu và trị bệnh hoa liễu. Còn nhựa cây được dùng trị bệnh đau về thần kinh như icteria và động kinh, trị lỵ và ỉa chảy và làm nước giải khát khi bị thổ tả.
Cây Chuối và các bài thuốc
Bài thuốc:
- Cao huyết áp: Hằng ngày cần ăn 3 lần, mỗi lần ăn từ 1 – 2 quả chuối chín. Cần ăn liền trong 2 tháng.
- Loét dạ dày: Lấy quả chuối xanh phơi khô trong râm hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp rồi tán bột. Ngày uống 2 lần vào lúc không no cũng không đói lắm, mỗi lần 1 thìa canh hòa với nước ấm.
- Hắc lào: Dùng quả chuối xanh vừa mới bẻ trên buồng chuối, cắt ngang quả chuối để nhựa tiết ra thì chấm xát vào nơi hắc lào sau khi đã rửa sạch và lau khô. Ngày chấm xát 4 – 5 lần.
- Ngứa da: Dùng vỏ chuối tiêu sắc lấy nước rửa hàng ngày. Mỗi ngày rửa 2 – 3 lần.
- Tay chân nứt nẻ: Dùng chuối tiêu chín 1 quả (chín nhừ càng tốt), sau sấy nóng. Hàng ngày vào buổi tối rửa chân tay bằng nước ấm, rồi lấy chuối đã sấy nóng xát vào nơi chân tay bị nứt nẻ, làm liên tục nhiều lần sẽ khỏi.
Đừng bao giờ sử dụng bất cứ thứ gì bạn không chắc chắn 100% là an toàn và nếu bạn đang bị ốm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thứ mà bạn không quen thuộc.
Xem thêm:
Cây Chùm Ruột có công dụng gì?
Cây Chua Ngây có công dụng gì?
Nghiên cứu gia công sản xuất thực thực phẩm chức năng từ cây Chuối vui lòng liên hệ
Số điện thoại : 0983425111
Nghiên cứu công thức thực phẩm độc quyền tại Nhà Máy Dược Phẩm Pulipha